Có nên phủ ceramic ô tô? Những lưu ý quan trọng cần biết

Phu Ceramic 4

Phủ ceramic là gì? Có nên phủ ceramic ô tô không? Giá bao nhiêu? Phủ ở đâu? Tất tần tật kinh nghiệm phủ ceramic ô tô sẽ được chia sẻ ngay sau đây.

Phủ ceramic là gì?

Ceramic còn được là gốm (hay sứ). Theo định nghĩa khoa học, gốm là nhóm vật liệu không phải là kim loại cũng không phải hữu cơ. Và “gốm” ở đây không chỉ là vật liệu đồ gốm ta thường biết, mà còn bao gồm những vật liệu như kim cương, kính, đá saphire, đá than chì… Người ta phân gốm thành 4 nhóm nhỏ. Trong đó gồm gốm kỹ thuật hoá và 3 nhóm còn lại là những đồ gốm ta thường dùng như bình hoa, gạch lót sàn…

 

Khác với 3 nhóm còn lại, gốm kỹ thuật hoá làm từ các vật liệu nguyên chất như carbide, oxide, nitride… Đa số các vật liệu này là hợp chất của kim loại với carbon, oxy, nitro… Trái ngược với suy nghĩ gốm là vật liệu dễ vỡ, gốm kỹ thuật hoá thực tế rất cứng và bền.

Phủ ceramic ô tô (hay còn gọi phủ gốm, phủ men, phủ thuỷ tinh) là phủ lên bề mặt ô tô một lớp gốm ceramic. Chất phủ ceramic thường có thành phần gốc vô cơ như titan dioxit, silic dioxit… Mỗi bộ phận trên xe sẽ phù hợp với một loại ceramic khác nhau như: ceramic phủ sơn xe, ceramic phủ nội thất, ceramic phủ kính…

Ceramic phủ xe ô tô thường có gốc vô cơ như titan dioxit, silic dioxit…

Khi phủ ceramic cho xe, điển hình như phủ sơn xe, lớp ceramic đóng vai trò như một màng bảo vệ sơn xe tránh khỏi các tác động từ môi trường bên ngoài. Đồng thời ceramic còn thay thế cho sáp cao cấp, giúp tăng độ sáng bóng cho bề mặt sơn xe. Lớp phủ gốm ceramic thường liên kết rất chặt chẽ với sơn nên không bị rửa trôi và rất lâu hỏng.

Tác dụng phủ ceramic ô tô

Phủ ceramic cho xe ô tô có rất nhiều tác dụng:

Bảo vệ sơn xe

Có rất nhiều tác nhân gây hại cho sơn xe như: tia UV, nước mưa, phân chim, axit côn trùng, bụi bẩn, sình lầy, muối mặn, hoá chất… Khi tiếp xúc lâu ngày, các tác nhân này sẽ tấn công, phá huỷ bề mặt sơn xe khiến xe dần dần bị xỉn màu, bạc màu, hoen ố, xuất hiện các vết loang lổ, rạn nứt, bong tróc…

Khi phủ ceramic, sơn xe ô tô sẽ được hình thành một lớp bảo vệ cứng cáp bên ngoài

Khi phủ ceramic, sơn xe ô tô sẽ được hình thành một lớp bảo vệ cứng cáp bên ngoài. Hàng rào vi mô này có khả năng ngăn cản sự xâm nhập, tấn công của những tác nhân gây hại. Cụ thể là chống lại tia cực tím, kháng kiềm và axit, chống lại sự ăn mòn, chống lại quá trình oxy hoá… Từ đó giúp sơn xe duy trì được vẻ bền đẹp dài lâu.

Chống bám nước

Ceramic có đặc tính đẩy nước. Khi phủ gốm ceramic cho xe ô tô, lớp ceramic này sẽ khiến nước hay các chất lỏng phân tán, trôi tụt nhanh chóng, không bị đọng lại trên bề mặt sơn xe. Điều này khiến nước mưa hay sình lầy khó bám vào sơn xe.

Đặc tính đẩy nước của ceramic đặc biệt hữu ích với kính lái ô tô. Khi nước rơi xuống bề mặt kính lái, lớp phủ ceramic sẽ làm nước nhanh chóng tụ thành dòng rồi trôi tụt xuống dưới thay vì đọng trên mặt kính. Nhờ đó mà người lái có được tầm nhìn tốt hơn, thông thoáng hơn khi lái xe trời mưa.

Phu Ceramic 5
Ceramic ô tô có tính đẩy nước, tạo ra “hiệu ứng lá sen”

Hạn chế vết xước

Lớp sơn phủ ceramic có độ dày và độ cứng nhất định. Nó đóng vai trò như một chiếc “áo giáp” bảo vệ sơn xe và kính xe, hạn chế bị tổn hại, giảm ma sát các tác động vật lý từ bên ngoài như va chạm, va quẹt, lau rửa xe sai cách… Theo một số chuyên gia, phủ ceramic giúp giảm thiểu đáng kể những vết xước nhỏ thường gặp ở lớp sơn bóng (lớp sơn ngoài cùng) ô tô như vết xoáy mạng nhện (Hologram).

Dễ vệ sinh

Tính đẩy nước của ceramic giúp việc vệ sinh xe dễ dàng hơn. Vì khó bám nên nước mưa hay các chất bẩn thường nhanh chóng trôi đi mà không cần tẩy rửa quá nhiều. Riêng kính lái, lớp phủ ceramic cũng hỗ trợ cần gạt mưa ô tô lau dọn sạch hơn.

Sơn xe bóng và đẹp hơn

Ceramic có khả năng tăng cường tính phản chiếu của sơn xe. Lớp phủ này giống như thuỷ tinh giúp sơn xe phản chiếu đồng đều hơn, tạo hiệu ứng thị giác mặt sơn trong và sâu hơn. Nhờ đó mà sơn xe ô tô sẽ sáng bóng, đẹp mắt và lộng lẫy hơn.

Phủ ceramic giúp sơn xe sáng bóng và đẹp hơn

Giảm chói, loá cho kính lái

Riêng kính lái ô tô, lớp phủ ceramic còn có tác dụng giảm chói, loá mắt do ánh nắng mặt trời, đèn pha xe đối diện… giúp người lái có tầm nhìn tốt hơn.

Quy trình phủ ceramic xe ô tô

Quy trình phủ ceramic ô tô của mỗi cơ sở, garage có thể khác nhau đôi chút, nhưng nhìn chung thường bao gồm các bước chính sau:

Bước 1. Kiểm tra tình trạng xe: Bước này giúp khách hàng nắm được tình trạng hiện tại của xe, hiểu rõ hơn bề mặt sơn xe, từ đó có thể lựa chọn gói phủ ceramic phù hợp.

Bước 2. Rửa và vệ sinh bề mặt chi tiết: Rửa xe, tẩy bụi sắt – nhựa đường, tẩy bằng thanh đất sét Clay bar chuyên dụng… để loại bỏ tất cả các vết bẩn trên xe.

Bước 3. Đánh bóng – hiệu chỉnh sơn xe (kính xe nếu có): Hiệu chỉnh sơn xe là quá trình xử lý các vết xước, sần, mắt cá, rạn nứt, bong tróc… trên bề mặt sơn. Sau đó tiến hành đánh bóng để lấy lại độ cân bằng cho bề mặt sớn bề mặt sơn xe.

Trước khi phủ ceramic sẽ tiến hành tẩy rửa vết bẩn, xoá trầy trước, đánh bóng hiệu chỉnh sơn xe ô tô

Bước 4. Phủ ceramic: Trước khi phủ ceramic sẽ vệ sinh thật kỹ bề mặt lần cuối. Dung dịch ceramic được phủ bằng miếng xốp (bọt biển) và lau lại bằng khăn lau chuyên dụng. Sau tầm 2 tiếng khi xong lớp phủ thứ nhất sẽ tiếp tục phủ lớp thứ hai. Số lớp phủ ceramic và loại ceramic khác nhau tuỳ theo gói phủ ceramic khách hàng lựa chọn.

Phu Ceramic 4
Dung dịch ceramic sẽ được phun bằng chai xịt hoặc quét bằng khăn chuyên dụng đều khắp bề mặt

Bước 5. Sấy khô: Sử dụng đèn sấy sơn hồng ngoại để ceramic khô nhanh hơn cũng như tạo độ kết dính tốt hơn giữa lớp ceramic với sơn xe và giữa các lớp phủ.

Lớp phủ ceramic thường được làm khô nhanh bằng đèn sấy sơn hồng ngoại

Bước 6. Kiểm tra chất lượng: Ở bước cuối cùng, nhân viên QS (Quality Supervisor) sẽ kiểm tra toàn bộ chất lượng của các dịch vụ vừa mới được thực hiện. Đảm bảo sản phẩm giao lại cho khách hàng hoàn hảo nhất.

Mỗi nơi phủ ceramic áp dụng quy trình kỹ thuật khác nhau sẽ cho ra thời gian hoàn thành khác nhau. Tuy nhiên, theo các trung tâm phủ ceramic chuyên nghiệp, tổng thời gian phủ ceramic ô tô ít nhất từ 1 – 2 ngày mới hoàn thành được toàn bộ quy trình phủ ceramic chuẩn và cho ra chất lượng tốt nhất.

 

Phủ ceramic loại nào tốt nhất?

Hiện tại trên thị trường Việt Nam có rất nhiều loại ceramic. Trong đó các loại ceramic ô tô phổ biến được đa số gara, trung tâm lớn sử dụng có thể kể đến:

Artdeshine

Artdeshine là một hãng chuyên về các loại hoá phẩm vệ sinh – chăm sóc ô tô đến từ Singapore. Ceramic của Artdeshine có khả năng bảo vệ sơn xe hiệu quả, giảm ma sát trầy xước tốt, phân tán nước nhanh. Đây luôn là cái tên top đầu trong danh sách phủ ceramic loại nào tốt nhất.

Ceramic của Artdeshine có khả năng bảo vệ sơn xe hiệu quả, giảm ma sát trầy xước tốt, phân tán nước nhanh

Kisho

Kisho là một hãng lớn chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc – bảo dưỡng ô tô đến từ Nhật Bản. Sơn phủ ceramic Kisho có ưu điểm độ bền cao, hiệu quả bảo vệ tốt, tạo độ bóng, trong và sâu cực kỳ đẹp… Kisho được ưa chuộng nhất là gói ceramic Kisho Premium Plus phủ 3 lớp gồm: Si-701 (lớp phủ cơ bản), Si-901 (lớp phủ linh hoạt) và X-03 (lớp phủ thuỷ tinh).

System X

System X là dòng sản phẩm đến từ hãng Element 119 của Mỹ chuyên sản xuất các thiết bị, hoá phẩm phục vụ quân đội. Ưu điểm ceramic System X là độ bền cao (lên đến 8 năm), độ cứng cao, độ bóng cao, kháng axit tốt… Tuy nhiên nhược điểm là khó thi công. Để thi công đòi hỏi thợ phải giỏi kỹ thuật, nhiều kinh nghiệm. Do đó rất ít trung tâm sử dụng loại ceramic này.

CarPro

CarPro là một trong các hãng đi đầu ở lĩnh vực công nghệ nano sơn phủ ô tô tại Hàn Quốc. Các loại ceramic của CarPro có ưu điểm đạt chứng an toàn ở châu Âu, độ bền cao, độ bóng đẹp, chống bám nước bám bẩn tốt, thời gian bảo hành thường lên đến 2 năm… Nhược điểm là vì độ bóng và tương phản quá cao nên cần chuẩn bị thật kỹ, nếu không sẽ dễ làm nổi bật các khuyết tật sơn xe.

Phu Ceramic 3
Các loại ceramic của CarPro có ưu điểm đạt chứng an toàn ở châu Âu, độ bền cao, độ bóng đẹp

IGL

IGL là một hãng nổi tiếng về các sản phẩm công nghệ nao và ceramic. IGL giữ vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển các loại ceramic VOC thấp hay không có VOC, an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Ceramic của IGL đạt chứng nhận TUV Rheinland và đạt chuẩn REACH (không dùng 172 chất độc hại).

Ngoài ra, ceramic IGL còn có các ưu điểm khác là cung cấp sản phẩm đa dạng tương ứng với nhiều cấp độ khác nhau, dễ thi công, combo đầy đủ dụng cụ dễ sử dụng… Nhược điểm là dòng ceramic IGL Kenzo có giá khá cao.

Gyeon

Gyeon cũng là một dòng sản phẩm đến Hàn Quốc. Gyeon được sản xuất chung nhà máy với CarPro nhưng do khác công thức nên đặc tính cũng khác. Ưu điểm ceramic Gyeon là cho độ bóng đẹp vượt trội, khả năng tự làm sạch tốt, bộ kit đầy đủ dụng cụ…

AvalonKing Armor Shield IX

AvalonKing Armor Shield IX là một dòng sản phẩm ceramic DIY của Mỹ. Ưu điểm ceramic AvalonKing Armor Shield IX là láng bóng, chống nước vượt trội, độ bền cao, chống tia UV tốt, dễ thi công… Nhược điểm là chi phí khá cao.

Ưu điểm ceramic AvalonKing Armor Shield IX là láng bóng, chống nước vượt trội

Color N Drive

Color N Drive là một trong các thương hiệu hoá phẩm chăm sóc ô tô nổi tiếng tại Mỹ và châu Âu. Ceramic của Color N Drive có độ bền lên đến 5 năm (150 lần rửa xe), độ cứng 9H, bảo vệ sơn xe tốt, chống xước tốt, độ bóng cao, bộ kit đầy đủ dụng cụ…

TacSystem

TacSystem là thương hiệu hàng đầu tại Hàn Quốc chuyên về các sản phẩm chăm sóc xe ô tô. Ceramic của TacSystem có thành phần SiO2 lên đến 70%, lớp phủ dày, độ bóng tốt, độ bền cao…

Ngoài những loại trên còn có nhiều loại khác cũng được ưa chuộng như: CeramicPro, Kubebone, Migliore Strata, Adam’s Ceramic, Nano Bonds Ceramic Pro, Sonnax…

Phu Ceramic 2

Bảng giá phủ ceramic ô tô

Giá phủ ceramic ô to sẽ tuỳ thuộc vào dòng xe, loại ceramic sử dụng và số lớp phủ ceramic. Theo khảo sát mặt bằng chung, giá phủ ceramic ô tô trung bình như sau:

Gói phủ cơ bản (thấp nhất):

  • Xe 4 – 5 chỗ: 4,5 – 6 triệu đồng
  • Xe 7 – 8 chỗ: 7 – 8 triệu đồng

Gói phủ cao cấp (đắt nhất):

  • Xe 4 – 5 chỗ: 15 – 18 triệu đồng
  • Xe 7 – 8 chỗ: 19 – 22 triệu đồng

Ngoài hai gói này, các trung tâm phủ ceramic thường có thêm nhiều gói khác với giá nằm ở khoảng giữa.

Giá phủ ceramic ô to sẽ tuỳ thuộc vào dòng xe, loại ceramic sử dụng và số lớp phủ ceramic

Thông thường giá phủ ceramic sẽ được quy định dựa vào size xe mà không dựa vào độ “sang chảnh” của xe. Bởi các trung tâm Detailing tính giá theo thời gian thi công và vật liệu sử dụng. Do đó dù là các dòng sedan đồng giá như nhau dù là hạng phổ thông như Hyundai Accent, Kia K3, Mazda 3, Honda Civic… hay xe hạng sang châu Âu của các hãng như Mercedes, BMW, Audi…

Còn các dòng xe 5 chỗ gầm cao như Peugeot 3008, Hyundai Tucson, Mazda CX-5… hay bán tải như Ford Ranger, Toyota Hilux… thường đồng giá với xe 7 chỗ SUV/MPV/CUV như Toyota Fortuner, Ford Everest, Hyundai SantaFe, Honda CR-V, Toyota Innova…

Ceramic độ cứng 9H là gì? Có chống trầy xước không?

Nhiều trung tâm phủ ceramic xe oto thường giới thiệu “phủ ceramic ở đây rất nhiều lớp, có độ cứng lên đến 9H, chống trầy xước hoàn hảo”. Thực tế, độ cứng ceramic không phải đo theo thang độ cứng vật liệu Mohs (độ cứng các loại đá quý được đo theo thang này) mà là thang độ cứng bút chì. Được làm từ graphit nên độ cứng của bút chì chỉ bằng 1H – 2H trong thang đo Mohs.

Độ cứng của lớp phủ ceramic được đo theo thang đo động cứng bút chì

Trong thang đo bút chì độ cứng cao nhất là 9H. Tuy nhiên với công nghệ tiên tiến dựa trên đơn vị độ cứng theo thang trên thì ceramic hiện nay đã có thể đạt đến độ cứng 10H. Tuy nhiên dù độ cứng lớp phủ ceramic có thể đạt độ cứng cao nhất là 10H nhưng như đã nói độ cứng này so với thang đó Mohs vẫn khá thấp.

Vì thế, lớp phủ ceramic chỉ có khả năng hạn chế vết xước nhẹ, không thể hoàn toàn chống trầy xước. Do đó, với các lời quảng cáo “đao to búa lớn” về ceramic không nên đặt quá nhiều kỳ vọng.

Nên phủ ceramic hay nano?

Công nghệ phủ ceramic bắt nguồn từ phủ nano. Nhưng phủ ceramic được đánh giá là một phương pháp cao cấp hơn của phủ nano.

Sau đây là bảng so sánh phủ ceramic và phủ nano:

So sánh Phủ ceramic Phủ nano
Gốc Hữu cơ (polymer) Silic Dioxit và Titan Dioxit
Độ cứng cao nhất 9 – 10H 8 – 8,5H
Hiệu ứng lá sen
Chống bám bẩn
Chống UV Tốt Trung bình
Hạn chế trầy xước Tốt Trung bình
Dễ vệ sinh
Kỹ thuật phủ Dễ Khó
Độ bền 2 – 10 năm 0,5 – 1 năm
Giá cơ bản (xe 5 – 7 chỗ) 4,5 – 6 triệu 1 – 4 triệu

So sánh với nano, phủ ceramic có nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Dù giá phủ ceramic cao hơn nhưng lớp phủ ceramic cứng hơn, hạn chế trầy xước tốt hơn, bảo vệ hiệu quả hơn… Do đó, từ khi phủ ceramic ra đời, người ta thường ưa chuộng phủ ceramic hơn phủ nano.

Nên phủ ceramic khi nào?

Theo giới chuyên môn, những loại xe nên được phủ ceramic:

Xe sử dụng với tần suất cao: Điều này sẽ khiến sơn xe nhanh hao xuống cấp hơn. Do đó phủ ceramic để tăng cường bảo vệ sơn xe là rất cần thiết.

Xe ít được vệ sinh, chăm sóc: Nếu chủ xe ít có thời gian chăm sóc, vệ sinh, rửa xe, bảo dưỡng sơn xe… thì nên gia cố thêm một lớp ceramic để bảo vệ sơn xe.

Nếu thường xuyên sử dụng xe lại ít có thời gian chăm sóc xe thì rất nên phủ ceramic cho ô tô

Xe cần được chăm chút, tân trang: Phủ ceramic không chỉ bảo vệ xe mà còn giúp sơn xe sáng bóng, bắt mắt và lộng lẫy hơn.

Xe cần giữ giá, bán giá cao: Độ mới, tình trạng sơn xe là một trong các yếu tố quyết định giá xe ô tô cũ. Do đó, nếu quan tâm đến giá trị xe, không muốn xe bị mất giá khi bán lại sau này thì phủ ceramic là cách bảo vệ độ bền đẹp của sơn xe rất hiệu quả.

Về thời điểm nên phủ ceramic cho xe ô tô, các chuyên gia khuyên nên tiến hành phủ ngay sau khi vừa mua xe mới. Bởi khi này lớp sơn xe hay kính xe đều còn mới nguyên, chưa hoặc ít bị tổn hại nhất nên hiệu quả bảo vệ sẽ cao nhất. Lúc này chủ xe cũng không mất nhiều chi phí cho việc hiệu chỉnh là sơn xe (kính xe) trước khi phủ ceramic.

Còn với xe ô tô cũ thì nên phủ càng sớm càng tốt. Vì sơn xe càng ít khuyết tật, tổn hại thì chi phí càng thấp, hiệu quả bảo vệ sơn zin càng cao.

Phu Ceramic 1
Nên phủ ceramic cho ô tô mới ngay sau khi mua hoặc càng sớm càng tốt để bảo vệ tối ưu sơn xe

Nên phủ ceramic mấy lớp?

Nhiều trung tâm Detailing ô tô thường khuyến khích khách hàng phủ càng nhiều lớp càng tốt để “bền hơn, chống trầy xước tốt hơn”. Thậm chí một số nơi còn khuyên phủ tận 10 – 15 lớp, nhưng thực tế phủ mấy lớp thì khách hàng khó thể biết rõ.

Theo các chuyên gia, lớp ceramic chỉ liên kết chặt chẽ nhất với lớp sơn hay kính xe, trong khi liên kết giữa các lớp với nhau rất kém. Giới hạn tối đa chỉ có thể phủ 5 lớp. Nếu vượt quá 5 lớp ceramic sẽ dễ bị hiện tượng bóng tróc, vảy cá… Mặt khác, để một lớp phủ ceramic có thể khô hoàn toàn, đảm bảo liên kết vĩnh viễn với sơn xe (hay kính xe) cần mất đến 1 – 2 tiếng.

Chỉ nên phủ từ 2 – 4 lớp ceramic cho xe hơi

Vì thế việc phủ một lúc nhiều lớp ceramic thực sự không cần thiết. Theo lời khuyên từ các hãng ceramic lớn, chỉ nên phủ từ 2 – 4 lớp. Đây là độ dày chuẩn để sơn xe có được độ sâu và trong suốt hoàn hảo. Phủ bao nhiêu lớp ceramic sẽ không quan trọng bằng sử dụng loại ceramic thương hiệu gì, có chất lượng thế nào.

Phủ ceramic có gây hại sơn xe không?

Nhiều chủ xe lo ngại phủ sứ ceramic sẽ ảnh hưởng đến lớp sơn zin của xe. Theo các chuyên gia, nếu sử dụng ceramic chất lượng thì lớp phủ này sẽ không gây hại cho sơn xe. Trường hợp phủ ceramic bị lỗi thì vẫn có thể xử lý mà không ảnh hưởng đến sơn xe.

Tuy nhiên hiện nay trên thị trường có rất nhiều nơi phủ ceramic và cũng có rất nhiều loại ceramic khác nhau, cả chất lượng và kém chất lượng. Do đó, chủ xe nên lưu ý chọn loại chất phủ có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nếu sử dụng ceramic chất lượng thì lớp phủ này sẽ không gây hại cho sơn xe

Phủ ceramic có bảo hành, bảo dưỡng không?

Đa số trung tâm phủ ceramic ô tô lớn đều có chính sách bảo hành, bảo dưỡng định kỳ rõ ràng. Điều này không chỉ giúp lớp ceramic bền hơn mà còn như một lời cam kết về chất lượng dịch vụ. Do đó, khi đưa xe đi phủ ceramic đừng quên hỏi rõ về chính bảo hành, bảo dưỡng. Tránh chọn các gói phủ ceramic hay những trung tâm, cơ sở không có chính sách bảo hành.

Phủ ceramic sử dụng được bao lâu?

Phủ ceramic bền hơn phủ nano nhưng cũng không gọi là “vĩnh cửu”. Tuỳ theo số lớp phủ cũng như loại ceramic sử dụng mà lớp phủ sẽ có độ bền khác nhau, phổ biến nhất là 2 – 5 năm. Tuy nhiên để lớp phủ ceramic được bền hơn nên bảo dưỡng lớp phủ ceramic định kỳ 2 tháng/lần. So với việc phủ ban đầu, quy trình bảo dưỡng ceramic nhanh hơn, thường chỉ tầm 45 phút – 1 tiếng.

Độ bền của lớp ceramic trung bình từ 2 – 5 năm

Nên tự phủ ceramic tại nhà không?

Cũng như phủ nano, chủ xe hoàn toàn có thể mua ceramic về nhà để tự phủ. Hiện nay cũng có rất nhiều bài viết hay video hướng dẫn tự phủ ceramic tại nhà. Tuy nhiên thực tế thì phủ ceramic tại nhà hiệu quả sẽ không cao. Bởi phủ ceramic khó hơn phủ nano, rủi ro thất bại cao hơn vì ba nguyên nhân này.

Thứ nhất, không gian đảm bảo phủ tại nơi kín gió, không có ánh nắng mặt trời. Thứ hai, cần có đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc hiệu chỉnh sơn xe (như máy đo độ dày sơn xe, máy đánh bóng quỹ đạo, đất sét tẩy vết bẩn…) và thiết bị sấy khô ceramic sau khi phủ (như đèn sấy hồng ngoại).

Để phủ lớp ceramic chất lượng cần có đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng và phủ đúng kỹ thuật

Thứ ba cũng là điều quan trọng nhất: kỹ thuật. Cần biết rửa xe, hiệu chỉnh sơn (xoá xước, đánh bóng) và phủ ceramic đúng cách. Nếu phủ không tốt, lớp phủ ceramic sẽ không đều. Khi này sơn xe không chỉ không sáng bóng hơn mà còn trở nên tệ hơn trước do phản chiếu không đồng đều. Đây là tác hại phủ ceramic lớn nhất khi tự làm tại nhà mà chưa thành thạo kỹ thuật.

Nhược điểm của phủ ceramic ô tô

Bên cạnh rất nhiều ưu điểm, phủ ceramic xe ô tô cũng có một số nhược điểm. Tuy nhiên hầu hết nhược điểm phủ ceramic ô tô đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như:

Phủ ceramic sai cách: phủ không đồng đều, không đúng kỹ thuật, bỏ qua bước hiệu chỉnh và đánh bóng sơn xe… Điều này sẽ khiến sơn xe không sáng bóng mà trái lại trông xấu hơn.

Phủ ceramic kém chất lượng: hiệu quả bảo vệ không cao hoặc không có, sơn xe kém trong, dễ bị ố, xỉn màu sau một thời gian. Nếu để lâu ngày còn có thể tổn hại đến lớp sơn “zin”.

Ngoài ra phủ ceramic còn rất khó kiểm soát được chất lượng và kỹ thuật khi phủ ceramic. Khách hàng khi đưa xe đến garage chỉ biết “nói sao nghe vậy”. Trung tâm nào cũng giới thiệu “chất lượng, uy tín” nhưng thực tế thì chưa hẳn được như lời quảng cáo.

Bên cạnh đó các dịch vụ phủ ceramic hiện nay cũng không có một mức giá chuẩn. Mỗi trung tâm cung cấp các gói phủ ceramic khác nhau với giá khác nhau, muôn màu muôn vẻ, thượng vàng hạ cám đều có. Điều này tiềm ẩn không ít rủi ro.